Liên hợp quốc tưởng niệm Đức giáo hoàng Phanxicô

GPVO – Tại Phiên họp toàn thể Đại hội đồng Liên hiệp quốc ngày 29/4/2025, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã phát biểu tưởng niệm đức giáo hoàng Phanxicô. Ban Truyền thông giáo phận Vinh tạm dịch bài phát biểu này như sau:

Thưa quý bà và quý ông, thưa toàn thể quý vị,

Đức giáo hoàng Phanxicô là một con người của đức tin — và là người xây dựng cầu nối giữa các tôn giáo.

Ngài là nhà vô địch thế giới bảo vệ những người bị gạt ra bên lề xã hội.

Ngài là tiếng nói của cộng đồng trong một thế giới chia rẽ…

Tiếng nói của lòng thương xót trong một thế giới đầy tàn nhẫn…

Tiếng nói của hòa bình trong một thế giới chiến tranh.

Và ngài cũng là một người bạn trung thành của Liên hợp quốc, từng phát biểu trước các quốc gia thành viên ngay tại diễn đàn này vào năm 2015.

Trong chuyến thăm lịch sử đó, ngài đã nói về lý tưởng của tổ chức chúng ta — một “gia đình nhân loại thống nhất, sống hòa hợp, không chỉ làm việc vì hòa bình mà còn trong hòa bình, không chỉ vì công lý mà còn trong tinh thần công lý.”

Thay mặt đại gia đình Liên hợp quốc, tôi xin gửi lời chia buồn sâu sắc nhất đến cộng đồng Công giáo và biết bao người khác trên khắp thế giới đang tiếc thương vì sự mất mát to lớn này.

Thưa quý vị,

Đức giáo hoàng Phanxicô đã lãnh đạo giáo hội Công giáo Roma trong hơn mười hai năm — nhưng trước đó là hàng thập kỷ phục vụ và làm việc thiện.

Khi còn trẻ, ngài tìm thấy sứ mệnh của mình nơi các khu ổ chuột ở Buenos Aires, nơi lòng tận tụy phục vụ người nghèo đã mang đến cho ngài danh xưng “giám mục khu ổ chuột”.

Những trải nghiệm ban đầu đó đã củng cố niềm tin của ngài rằng đức tin phải là động lực của hành động và sự thay đổi.

Đức giáo hoàng Phanxicô đã đưa động lực đó tiến xa hơn nữa, trở thành tiếng nói không ngừng nghỉ vì công bằng xã hội và bình đẳng.

Thông điệp năm 2020 của ngài, Fratelli Tutti, đã chỉ rõ mối liên hệ trực tiếp giữa lòng tham và nghèo đói, nạn đói, bất bình đẳng và đau khổ.

Trong khi lên án sự bất công vốn định hình nền kinh tế toàn cầu hóa của chúng ta, ngài cũng cảnh báo về điều mà ngài gọi là “toàn cầu hóa sự thờ ơ.”

Tôi sẽ không bao giờ quên chuyến thăm chính thức đầu tiên ngài thực hiện trên cương vị giáo hoàng, khi tôi còn là Cao ủy Tị nạn Liên hợp quốc.

Ngài đã chọn đến hòn đảo Lampedusa ở Địa trung hải vào năm 2013 — để đưa ánh sáng toàn cầu đến tình cảnh tuyệt vọng của những người tị nạn và di cư.

Ngài cảnh báo về “nền văn hóa tiện nghi, khiến chúng ta chỉ nghĩ đến bản thân, khiến chúng ta vô cảm trước tiếng kêu cứu của người khác.”

Và vào Ngày Tị nạn Thế giới năm ngoái, ngài đã kêu gọi tất cả các quốc gia “đón nhận, thúc đẩy, đồng hành và hội nhập những người gõ cửa nhà chúng ta.”

Khi tôi gặp ngài tại Vatican trên cương vị Tổng Thư ký Liên hợp quốc vào năm 2019, tôi thực sự ấn tượng bởi lòng nhân hậu và sự khiêm nhường của ngài.

Ngài luôn nhìn nhận những thách thức qua con mắt của những người sống bên lề cuộc sống.

Và ngài nói rằng chúng ta không bao giờ được làm ngơ trước bất công và bất bình đẳng — cũng không thể nhắm mắt làm ngơ trước những người đang chịu đựng chiến tranh hay bạo lực.

Là người hành hương vì hòa bình, đức giáo hoàng Phanxicô đã đến những quốc gia bị tàn phá bởi chiến tranh — từ Iraq đến Nam Sudan, từ Cộng hòa dân chủ Congo đến nhiều nơi khác — để lên án đổ máu và bạo lực, thúc đẩy hòa giải.

Ngài kiên quyết bảo vệ những người vô tội bị kẹt giữa các vùng chiến sự, như ở Ukraine và Gaza.

Ngài làm điều đó không chỉ bằng vị thế toàn cầu của mình — mà còn bằng những hành động rất cá nhân và đầy nhân bản.

Mỗi ngày, đúng 7 giờ tối, ngài đều lặng lẽ gọi điện đến giáo xứ Thánh gia ở thành phố Gaza.

Như một người trong giáo xứ nói: “Ngài hỏi chúng tôi sống ra sao, ăn gì, có nước sạch không, có ai bị thương không? Đó không phải là cuộc gọi ngoại giao hay vì nghĩa vụ. Đó là những câu hỏi của người cha dành cho con mình.”

Và trong thông điệp cuối cùng vào Chủ nhật Phục sinh, Đức giáo hoàng Phanxicô đã nhấn mạnh tầm quan trọng sống còn của việc chấm dứt những cuộc xung đột này.

Suốt cuộc đời, đức giáo hoàng Phanxicô là tiếng nói rõ ràng cho công lý — cho con người và cho hành tinh.

Ngài đã góp phần thúc đẩy thông qua thỏa thuận Paris qua thông điệp năm 2015 Laudato Si, trong đó kêu gọi các nhà lãnh đạo bảo vệ “ngôi nhà chung của chúng ta.”

Ngài cũng nhấn mạnh mối liên hệ rõ ràng giữa sự suy thoái môi trường và sự suy đồi của nhân loại.

Ngài hiểu rằng những người góp phần ít nhất vào cuộc khủng hoảng khí hậu lại là những người phải gánh chịu hậu quả nặng nề nhất — và rằng chúng ta có nghĩa vụ tinh thần và đạo đức phải hành động.

Thưa quý vị,

Trong một thế giới đầy chia rẽ và bất hòa như hiện nay, việc đức giáo hoàng Phanxicô tuyên bố năm 2025 là “Năm thánh hy vọng” mang ý nghĩa đặc biệt to lớn.

Ngài luôn là một sứ giả của hy vọng.

Giờ đây, trách nhiệm của chúng ta là tiếp tục truyền tải niềm hy vọng đó.

Tại tang lễ của ngài vào thứ Bảy vừa qua, tôi vô cùng xúc động khi chứng kiến các nhà lãnh đạo tôn giáo và chính trị khắp nơi cùng nhau tưởng niệm cuộc đời và di sản của đức giáo hoàng Phanxicô — một tinh thần hiệp nhất và tư tưởng thiêng liêng mà thế giới chúng ta đang cần hơn bao giờ hết.

Thế giới này sẽ trở nên tốt đẹp hơn rất nhiều nếu chúng ta noi theo tấm gương của ngài — về sự đoàn kết, lòng từ bi và sự thấu hiểu lẫn nhau — qua lời nói và hành động của chính mình.

Khi chúng ta tưởng niệm sự ra đi của đức giáo hoàng Phanxicô, hãy cùng nhau làm mới lại cam kết của mình đối với hòa bình, nhân phẩm và công bằng xã hội — những lý tưởng mà ngài đã cống hiến từng khoảnh khắc trong cuộc đời phi thường của mình.

Xin cảm ơn.